Enter your keyword

Hướng dẫn chọn cấu hình máy chủ phù hợp nhất

Hướng dẫn chọn cấu hình máy chủ phù hợp nhất

Máy chủ luôn đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động chia sẻ, quản lý thông tin cho doanh nghiệp. Và việc chọn cấu hình máy chủ phù hợp là một điều quan trọng, bởi một máy chủ chuyên dụng sẽ đảm bảo cho công việc tốt hơn và đảm bảo an toàn hơn.

Thực tế thì bất kì máy tính nào cũng có thể đóng vai trò của một máy chủ. Tuy nhiên để đảm bảo hoạt động tốt nhất thì doanh nghiệp nên sử dụng một máy chủ chuyên dụng. Việc xác định cấu hình cho máy chủ không đơn giản nhưng cũng khá dễ dàng nếu bạn nắm được các nguyên tắc của nó.

Lựa chọn cấu hình máy chủ như thế nào ?

Dưới đây là một số hướng dẫn sơ bộ giúp bạn lựa chọn phần cứng hợp lý cho máy chủ, hoặc là máy chủ đơn, hoặc tập trung một nhóm các máy chủ vào một cơ sở hạ tầng ảo hóa đầy đủ.

01-huong-dan-chon-cau-hinh-may-chu-phu-hop-nhat-may-chu-cmc

CPU càng nhiều nhân càng tốt

Khi mua máy chủ, bạn thường nghĩ tới CPU trước tiên. Với việc ảo hóa các máy chủ, số lượng nhân của CPU luôn đem đến lợi thế hơn tốc độ của từng nhân. Trong nhiều trường hợp, bạn sẽ phải ngạc nhiên vì số lượng máy chủ ảo có được trong một thùng máy sử dụng các CPU chạy ở xung nhịp 1,7GHz, miễn là có thật nhiều nhân.

Quan niệm “CPU nhanh hơn, máy chủ nhanh hơn” chỉ đúng với xử lý đơn luồng, chuyên thực hiện các tính toán chuyên sâu. Trong các hoạt động bình thường của các máy chủ, CPU ở tình trạng nhàn rỗi khá nhiều, thậm chí cả khi tới lượt chúng phải xử lý, vấn đề chậm trễ từ các thiết bị khác trên hệ thống có thể khiến CPU phải chờ, chẳng hạn như quá trình dữ liệu nạp từ đĩa, lấy từ RAM, hay truyền qua mạng. Nếu lựa chọn giữa CPU sáu, tám, hay mười hai nhân với tốc độ xung nhịp thấp hơn và CPU bốn hoặc sáu nhân với tốc độ xung nhịp cao hơn, hãy luôn luôn ưu tiên CPU có số lượng nhân nhiều hơn.

Nếu bạn có đủ khả năng tài chính để có thể trang bị máy chủ với các chip Westmere 2,93GHz của Intel thì cứ việc đầu tư. Nếu không, các CPU AMD 6 nhân dòng Opteron 4000 với xung nhịp trong khoảng từ 1,7GHz tới 2,2GHz là lựa chọn hợp lý cho nhiều người dùng. Một số máy chủ lắp 2 CPU loại này đem đến năng lực ảo hóa đáng kinh ngạc cho quy mô tầm trung.

Thiết bị dự phòng

Bên cạnh CPU, thiết bị dự phòng cũng rất quan trọng khi lựa chọn cấu hình cho máy. Bạn cần phải có một hệ thống luôn sẵn sàng cho việc bảo trì. Nếu bạn không thể tắt một máy chủ trong 15 phút để thay thế một thanh RAM bị lỗi vì các máy chủ còn lại không đủ năng lực xử lý luồng công việc thay cho máy chủ bị hỏng, nghĩa là bạn đang có vấn đề. Lúc này, bạn thực sự mất đi một trong những lợi ích chính của ảo hóa máy chủ, đó là giúp giảm thời gian tắt máy theo lịch trình.

Khi bạn dừng một máy chủ vật lý để bảo trì, để tránh việc phải ngừng hoạt động của một số máy chủ ảo từ đó việc toàn hệ thống bị quá tải thì bạn cần phải có máy chủ dự phòng. Đứng trên giác độ an toàn, cho dù đây là một ý tưởng tồi về mặt chi phí nhưng việc vận hành tối thiểu N +1 máy chủ cho nhu cầu N máy là hoàn toàn cần thiết.

Mặt trái của lời khuyên này là bạn luôn cần đầu tư dư thừa máy chủ để đối phó với trường hợp có một máy chủ nào đó bị hỏng. Mặc dù các nhà cung cấp luôn khẳng định máy chủ của họ có độ bền cao, nhưng thảm họa thì vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và nhiệm vụ của bạn là phải sẵn sàng trong mọi tình huống.

Kết nối mạng

Hệ thống mạng hỗ trợ tốc độ 1 Gigabit chắc chắn sẽ rẻ hơn so với hệ thống 10 Gigabit, nhưng các máy chủ vật lý với nhiều máy chủ ảo chạy trên chúng luôn cần lượng băng thông cao cho các kết nối mạng để tránh hiện tượng nghẽn cổ chai. Thực tế, các máy chủ ảo thông thường không sử dụng tới 10 Gigabit cho các dịch vụ bình thường hoặc đọc/ghi dữ liệu trên đĩa, nhưng một số ứng dụng giao dịch sẽ cần. Vì vậy, bạn cần phải cân nhắc kỹ khi lựa chọn để cân đối với nhu cầu của bạn.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng ảo hóa máy chủ là để tối ưu cơ sở hạ tầng của bạn với việc dùng thiết bị vật lý ít hơn, giảm được sự cố xảy ra, sẵn sàng đối phó với hỏng hóc của bất kỳ thành phần nào. Lúc này, chi phí vận hành sẽ giảm nhờ tiết kiệm điện năng vì việc đầu tư cho hệ thống làm mát sẽ ít hơn.

Tối đa bộ nhớ RAM

Những thanh RAM DIMM 4GB hay 8GB có giá thành đắt hơn nhiều so với việc sử dụng nhiều thanh DIMM 2GB. Tuy nhiên, số khe cắm RAM trên máy là có hạn, và tất nhiên bạn không muốn phải mua thêm máy chủ vật lý chỉ để tăng cường RAM, rồi lại phải tốn thêm chi phí cho giấy phép sử dụng phần mềm bổ sung.

Khi bạn dự tính dùng các máy chủ ảo, hãy trang bị nhiều RAM nhất có thể. Dung lượng RAM sẽ quyết định số lượng máy chủ ảo bạn có thể chạy. Việc gắn 64GB RAM hoặc nhiều hơn vào một máy chủ với 12, 16, hoặc 24 nhân sẽ mang lại hiệu quả ảo hóa rất cao đồng thời cũng khiến giá máy tăng cao.

Lưu trữ liên kết

Mọi nền tảng ảo hóa trên thực tế đều cần được xây dựng trên cơ sở lưu trữ chia sẻ. Nếu không, mỗi máy chủ về cơ bản là một “tháp ngà”, và các máy ảo chạy trên các máy chủ này không thể được bảo vệ để chống lại lỗi của máy chủ vật lý. Thêm nữa, việc xây dựng và mở rộng cơ sở hạ tầng ảo hóa sẽ gặp nhiều khó khăn và đơn điệu hơn nếu không áp dụng lưu trữ chia sẻ. Thực tế, trừ khi chúng ta đang nói về việc xây dựng ảo hóa với qui mô cực kỳ nhỏ, thì việc sử dụng lưu trữ chia sẻ không phải là một lựa chọn mà là một quy tắc bất di bất dịch.

Việc sử dụng các công nghệ lưu trữ có tốc độ nhanh hơn 10 Gigabit (mỗi giây) cho mỗi máy chủ là không cần thiết. Và vì đĩa cứng đang ngày càng rẻ, bạn hãy bỏ qua RAID 5 truyền thống vẫn được ưa dùng do tiết kiệm mà áp dụng RAID 6 hoặc lý tưởng hơn nữa là RAID 10 để tăng cường hiệu năng và đảm bảo an toàn cho dữ liệu.

Vì thế, hãy chắc chắn rằng giải pháp lưu trữ chia sẻ của bạn là tốt nhất trong khả năng có thể. Cho dù bạn có kế hoạch sử dụng iSCSI, NFS, hay Fiber-Channel, hãy xem xét những nhu cầu về xuất/nhập đĩa trước khi bạn bắt đầu mua thiết bị chuyển mạch (switch), HBA, và đĩa. Nhìn chung các ổ đĩa SATA thích hợp cho máy ảo, và trong một số trường hợp, NFS sẽ làm tốt hơn iSCSI đối với những nhu cầu tính toán thường ngày. Điều này có thể dẫn tới việc bạn không chọn được thương hiệu lưu trữ ưa thích, nhưng trừ khi bạn đang nói về việc xử lý khối lượng lớn công việc với đĩa, có thể bạn không cần tới lưu trữ SSD hoặc các ổ đĩa cao cấp SAS (Serial Attached SCSI).

Lựa chọn cấu hình cho máy chủ là rất quan trọng. Nó giúp đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp luôn hiệu quả, cấu hình máy phù hợp sẽ khiến cho tốc độ của máy chủ nhanh chóng và ổn định hơn hẳn.

Chúc bạn lựa chọn được cấu hình máy chủ phù hợp cho mình!